Sau cuộc sinh nở tốn đầy sức lực thì chuyện mà các mẹ lo lắng và quan tâm tiếp theo là các vấn đề về sữa mẹ: Không đủ sữa cho con? Bé có chịu bú mẹ không? Bé bú đúng khớp không? Sữa thiếu chất,…..
Và việc cho bé bú mẹ trực tiếp hay hút sữa cho bú bình cũng khiến các mẹ rất đắn đo và hoang mang. Tự hỏi liệu mình làm như vậy có tốt cho con không? Vì thế bài viết này mình sẽ phân tích về ưu nhược điểm của mỗi cách để các mẹ hiểu rõ hơn và có sự lựa chọn cho riêng mình nhé. Tất cả đều dựa vào kinh nghiệm cá nhân và sự tìm hiểu, quan sát của mình.
Đối với mình thì bé không chịu ti mẹ nên mình đã hút sữa và cho bé bú bình từ khi mới sinh. Bên cạnh đó mình cũng có cố gắng tập cho bé ti mẹ trực tiếp vài lần, nhưng vì mình cũng khá ít sữa việc ti mẹ khiến lịch sinh hoạt lộn xộn và khó kiểm soát, nên mình đã chuyển hẳn sang hút sữa luôn. Ngoài ra thì cũng có nhiều mẹ chủ động chọn hút sữa ngay từ đầu hoặc phối hợp cả 2 cách song song. Vậy cách nào sẽ tiện hơn, hãy đi vào chi tiết bên dưới nha^^
Nội dung
Bú mẹ trực tiếp hoàn toàn
Bú mẹ trực tiếp là cách bạn ôm con cho bú trực tiếp từ bầu ngực. Đây là cách đơn giản mà ông bà ta đã làm từ xưa nay
Ưu điểm:
- Có nhiều thời gian để nghỉ ngơi: bạn có nằm cho bé bú, đặc biệt là lúc mới sinh rất mệt cần nghỉ ngơi nhiều
- Hai mẹ con có nhiều thời gian gần gũi, gắn kết. Bé sẽ nhanh chóng nhận ra mẹ hơn
- Không tốn tiền mua bình, máy hút sữa, nước rửa bình, máy hâm sữa, túi trữ sữa,.. thậm chí là…tủ lạnh để trữ sữa
- Bé bú trực tiếp từ ngực mẹ đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng và kháng thể từ sữa không bị hao hụt. Thậm chí sữa mẹ còn biến đổi lượng kháng thể khi bé ốm,… nói chung rất kì diệu
- Rất tiện cho việc du lịch hay di chuyển, không phải mang vác cồng kềnh, lỉnh kỉnh các dụng cụ.
- Khi con đói là có thể cho bé bú ngay
- Bú trực tiếp giúp kích sữa hiệu quả, duy trì sữa mẹ đủ và lâu dài
- Bạn sẽ ít bị tắc tia sữa hơn vì bé là cái máy hút sữa tốt nhất^^
Nhược điểm
- Bé dễ bị bú vặt, mỗi lần bú lắt nhắt nên không no, từ đó bú rất nhiều lần trong ngày
- Không biết con uống được bao nhiêu nên mỗi lần con khóc sẽ không biết vì đói hay các lý do khác.
- Mẹ phải thường xuyên ở bên cạnh bé, không thể nhờ người khác trông quá lâu
- Bé dễ bám mẹ hơn, sẽ khó nếu mẹ bận việc và muốn gửi con cho ai đó
- Lúc bé mọc răng thì mẹ lại có thể phải chịu nhưng con đau từ cơn ngứa răng của con^^
- Khó cai ti hơn vì bé bị nghiện ti mẹ^^
Hút sữa cho bé bú bình hoàn toàn
Đây là hình thức bạn dùng máy hút sữa hoặc vắt bằng tay để vắt sữa từ bầu ngực ra ngoài. Sau đó, cho sữa vào bình để bé bú ngay hoặc trữ vào tủ lạnh khi tới cữ sẽ cho con ăn.
Ưu điểm:
- Bạn có thể cân đo đong đếm lượng sữa của bé. Từ đó bé bú no hơn nên ngủ lâu hơn, lịch sinh hoạt cũng rất vào nếp. Đây chính là ưu điểm lớn khiến nhiều mẹ chấp nhận hút sữa cho con bú bình
- Bạn có thể nhờ người khác chăm bé, cho bé bú vì sữa đã có sẵn
- Bé dễ cai ti đêm sớm hơn vì không bện hơi mẹ và mẹ có thể điều chỉnh lượng ăn đủ cho con vào ban ngày. Vì thế mẹ sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi vào ban đêm
Nhược điểm:
- Rất thiếu ngủ. Đặc biệt là vào những ngày mới sinh, bạn phải hút đều các cữ và thường là sẽ 3 tiếng 1 lần cả ngày lẫn đêm, để kích sữa về nhiều. Sau đó có thể giãn cữ dần ra. Mình còn nhớ lúc mới đẻ về rất thiếu ngủ nhưng chưa kịp ngủ sâu thì đã tới lúc ngồi dậy hút sữa cữ tiếp theo rồi. Chưa kể những đêm lạnh giá phải ngồi dậy tra máy hút sữa vào quả là cực hình, lúc đó chỉ ước được ôm con cho bú 🙁
- Dễ đau lưng vì phải ngồi nhiều sau sinh
- Tốn rất nhiều tiền mua những dụng cụ liên quan (mình đã liệt kê ở bên phần bú mẹ)
- Đi đâu cũng phải mang theo các dụng cụ hút sữa lỉnh kỉnh và kiếm nơi hợp lý để hút. Nếu không có thì phải chấp nhận bỏ cữ hoặc vắt bỏ cho đỡ căng.
- Phải chuẩn bị sữa trước mỗi cữ để con không khóc lâu vì đói. Đặc biệt ban đêm nhiều khi ngủ quên xong phải vội dậy hâm sữa nên con đợi khá lâu
- Phải có người trông con phụ trong thời gian hút sữa
- Dễ bị tắc tia nếu hút không đúng cữ, đúng giờ
- Dinh dưỡng trong sữa sẽ bị hao hụt.
- Bảo quản sữa không đúng cách dễ khiến sữa bị hỏng, gây ảnh hưởng sức khỏe con
- Đặc biệt khi bạn giãn cữ thì sữa sẽ giảm và sau này cũng nhanh mất sữa hơn
Tóm lại:
Qua bài so sánh này hy vọng là bạn đã hiểu rõ hơn về cái sướng và cái khổ của mỗi bên. Và nếu được thì có lẽ kết hợp cả hai cách này sẽ phương án tiện nhất, mẹ có thể linh động tùy trường hợp. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết là đa số các em bé chỉ chọn một trong 2 kiểu sau một thời gian thôi nhé. Đúng là đâu có gì là hoàn hảo nhỉ?
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này. Nếu bạn có thắc mắc gì thì hãy để lại comment cho mình nhé.